Từ chỗ chạy đua tăng phí, các ngân hàng đã chuyển dần sang cuộc đua miễn, giảm phí dịch vụ và điều này đang trở thành xu hướng mạnh mẽ gần đây. 

CÁC ÔNG LỚN CŨNG THAM GIA

Mới đây, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa áp dụng miễn 100% phí dịch vụ thanh toán (bao gồm cả phí dịch vụ liên quan hoạt động cho vay) đối với tất cả khách hàng khi giao dịch tại quầy và trên các kênh ngân hàng điện tử. Chính sách miễn phí dịch vụ này được áp dụng tại các tỉnh, thành đang thực hiện theo Chỉ thị 16 và kéo dài đến hết thời gian thực hiện cách ly xã hội.

Trước đó, Agribank cũng chủ động triển khai đồng loạt miễn, giảm các loại phí dịch vụ và lãi suất cho vay như: miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước; miễn 100% phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa; giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng; giảm lãi suất cho vay thẻ tín dụng; giảm phí cho chủ thẻ khi rút tiền tại ATM của ngân hàng khác.

Với BIDV, từ đầu tháng 8 đến cuối năm 2021, khách hàng cá nhân được miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống cho khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng BIDV SmartBanking qua kênh trực tuyến; miễn phí trọn đời 10 loại phí khi đăng ký sử dụng gói dịch vụ B-Free, trong đó miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống; miễn phí chuyển tiền 24/7 trên ATM; giảm phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống. 

Tương tự, đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm đến 80% phí chuyển tiền trong cùng hệ thống và 25% phí chuyển tiền ngoài hệ thống Vietcombank; giảm đến 33% phí các gói tài khoản, áp dụng cho các gói tài khoản VCB Eco và VCB Plus; giảm 17% phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống Vietcombank. Đối với khách hàng tổ chức, Vietcombank giảm đến 50% phí chuyển tiền ngoài hệ thống Vietcombank.

"Riêng về việc miễn, giảm phí, hơn 1.000 tỷ đồng là con số ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020."

Trong khi, tại VietinBank, nhiều loại phí dịch vụ cũng được miễn giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, ngân hàng miễn, giảm phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại đối với khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, trang thiết bị, vật tư y tế...

Như vậy, cho tới thời điểm này, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước đều tham gia giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại tư nhân khác cũng giảm mạnh phí thanh toán có thể kể đến như MSB, HDBank, SeABank, Techcombank, SHB, VPBank…

Để hỗ trợ hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Và NAPAS đã giảm từ 50-75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành, áp dụng từ 1/8 đến cuối năm 2021.

VÌ SAO CHẠY ĐUA?

Thực ra, chính sách giảm phí đã được các ngân hàng áp dụng từ giữa những năm 2016. Khi đó, Techcombank tiên phong với chính sách “Zero Free” miễn phí cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua dịch vụ F@st I-bank và F@st mobile. Sau đó, TPBank, MSB hay MBB… cũng đã đưa ra chính sách giảm phí tương tự.

Tuy nhiên, trào lưu miễn, giảm phí giao dịch ở các ngân hàng bắt đầu rộ lên từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Theo đó, các ngân hàng hy vọng với việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt và thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán sẽ giúp các ngân hàng bù đắp được khoản lợi nhuận đã phải hy sinh cho việc giảm phí.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại chia sẻ, nhờ số hoá nên chi phí cho hoạt động giao dịch của ngân hàng đã giảm đi rất nhiều. Do đó, khi giảm phí ngân hàng cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận.

“Ngoài ra, việc miễn phí dịch vụ cũng giúp cho ngân hàng có lượng khách trung thành và tăng thêm tệp khách hàng mới. Chính nhờ tệp khách hàng mới này, ngân hàng có nhiều cơ hội gia tăng lợi nhuận từ khu vực khác chứ không nhất thiết chú trọng vào phí thanh toán”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nhấn mạnh.

Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, các ngân hàng miễn, giảm phí dịch vụ là hành động tốt, giúp khách hàng hạn chế phần nào chi phí để sống sót qua khó khăn.

Đồng thời, chính bản thân các ngân hàng cũng đang được hưởng lợi nhờ tăng tỷ lệ vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). “Việc miễn, giảm phí có thể coi là chiến lược: bỏ con tép, bắt con tôm. Bởi lẽ, với mức lãi suất rất thấp chỉ 0,2%/năm, CASA dần phát huy tối đa hiệu quả của mình, giúp ngân hàng tăng biên độ lợi nhuận (NIM)”, ông Hiếu nói.

Mặt khác, ông Hiếu cũng cho rằng, sau khi lãi suất huy động rơi xuống vùng thấp kỷ lục, các ngân hàng đã xác định mở rộng vùng vốn giá rẻ (tính theo tuần và dưới 3 tháng) thay vì chỉ tập trung vào CASA.

“Hiện tăng trưởng tiền gửi trong dân cư rất chậm do lãi suất thấp. Vì vậy, đợt miễn giảm phí lần này vừa giúp ngân hàng thương mại thực hiện chỉ đạo của nhà điều hành, vừa tranh thủ cơ hội hút lượng CASA về trước khi chuyển đổi chiến lược”, ông Hiếu chia sẻ.

Theo Đào Vũ/https://vneconomy.vn/