Tôi viết bài viết này mượn câu nói của vị Tiến sĩ, một người bạn FB. Bài viết có thể có những sự khác biệt về quan điểm, rất mong anh ấy bỏ qua cảm xúc. Rất tôn trọng, nhưng tuyệt đối không đồng ý với nhận định của anh.

Cách đây khoảng 1 tháng, một người bạn đã hỏi" "Tớ thấy kinh tế còn be bét lắm, doanh nghiệp thì khó khăn, dân chúng thì đói, thế mà tại sao chứng cháo của cậu lại phi như điên vậy". Không chỉ anh bạn tôi hỏi vậy, mà bác bảo vệ khu nhà tôi ở cũng bảo "Chỉ có mấy ông đánh chứng thời nay là ngon thôi, chứ bọn tôi lương cũng bị cắt giảm, căng lắm". Quả đúng là vậy, Covid 19 đã gây ra những hệ lụy vô cùng thảm khốc cho thế giới. Để hoàn toàn khống chế dịch bệnh sẽ cần một khoảng thời gian không ngắn nữa. Kể cả khi Việt Nam là điểm sáng trong đại dịch toàn cầu này, cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. GDP năm 2020 chỉ còn tăng 2.91% (giảm gần 60%). Rõ ràng, khó khăn là thực tế không thể chối cãi.

Theo quan điểm của vị chuyên gia, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang không thể hiện đúng những gì của bộ mặt nền kinh tế lúc này, tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu trong thời gian tới. Hàm ý cũng khá rõ ràng, chứng khoán lên đơn thuần là do "bơm tiền", chứ đang "ảo" quá, không tương xứng. Thực ra "tiền rẻ" cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Xin thưa, xin thưa với anh bạn tôi, xin thưa bác bảo vệ, tôi hay các bác, các anh nghĩ gì không có nhiều giá trị đâu, quan trọng nhất là Mr. Market nghĩ gì. Chứng khoán là Kỳ vọng tương lai. Không có gì là điên khùng, bất hợp lý, hay "cờ bạc" cả, chỉ là khi thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế, thì chứng khoán luôn đi trước. Nền kinh tế phải có độ trễ. Còn để có thể phục hồi thì đương nhiên có nhiều giải pháp như "bơm tiền", kích cầu, abcd, ... Còn để đến khi sự "thịnh vượng" của nền kinh tế xuất hiện, thì chứng khoán có còn tăng hay không? Chưa chắc nhé.

Mấy ngày nay Vn-index đang "ngập ngừng" trước ngưỡng 1200. Câu hỏi được đặt ra là kể cả vượt 1200, rồi sao tiếp theo đây? Điểm số nào sẽ là đỉnh, là kỷ lục? Quan điểm của tôi là không thể biết chính xác được, tất cả chỉ là đoán. Mà dự báo càng dài, sẽ càng dễ sai vì có quá nhiều biến số bất ngờ. Cách tôi tư duy là không quan tâm lắm đến điểm số cụ thể, mà nên xem xét xu hướng và timeline. Như đã nói ở phần trên, chứng khoán là sự kỳ vọng tương lai. Một khi sự kỳ vọng vẫn còn, thì chứng khoán vẫn tiếp tục đi lên. Nhưng nếu khi dịch bệnh thực sự bị khống chế, kinh tế xã hội quay trở lại bình thường, những vấn đề về lạm phát, hút tiền về, sẽ xuất hiện. Có một câu nói đã được kiểm nghiệm nhiều lần "Tin ra là bán". Kể cả khi GDP đạt kết quả 6%, tức tăng hơn 100% so với năm 2020, thì chắc gì chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng. Thịnh vượng không dành cho chúng ta.

Với những gì đang diễn ra liên quan đến vacxin, liên quan đến chính sách kinh tế xã hội, chắc chắn trong 6 tháng tới mọi thứ vẫn chưa thể quay lại như bình thường. Xu hướng tăng trưởng của chứng khoán sẽ diễn ra ít nhất từ nay cho đến hết quí 2/2021. Như vậy kịch bản cẩn trọng nhất, sẽ cho ra con số định lượng khoảng 1350-1400, rơi vào đầu tháng 7/2021. Còn tiếp diễn sau đó như thế nào, phải cần xem xét kỹ lưỡng sau đó.

Trên thị trường nhiều người gọi tôi là "Bìm bịp chúa", lúc nào cũng chỉ nhìn thấy mặt tích cực. Có thể do bản thân là một nhà đầu tư chứng khoán thực sự, luôn cố gắng tìm kiếm cơ hội, cho nên khi có được thì nhìn nhận khá tươi sáng. Tuy nhiên, ai cũng sẽ có phương pháp quản trị rủi ro riêng, cách đi tiền cũng như điểm ra vào cho từng cổ phiếu. Chứng khoán luôn chứa đựng bất ngờ, chính vì thế cũng phải xây dựng nhiều kịch bản khác nhau. Nhưng vẫn phải đặt cược một cách logic vào xu hướng có xác suất cao nhất. Chỉ có lòng can đảm, bản lĩnh đầu tư, tính kiên nhẫn và sự kỷ luật, mới có thể mang lại sự thịnh vượng cho nhà đầu tư chứng khoán trong năm đặc biệt 2021.

         Nguyễn Hồng Điệp (FB Nguyễn Hồng Điệp)